- Tác giả, Nguyễn Hoàng
- Vai trò, BBC Tiếng Việt
Trưởng Đại diện WHO Việt Nam nói rằng hệ thống y tế Việt Nam đang chịu áp lực rất lớn, nhân viên y tế hẳn bị quá tải và vài tuần tới sẽ hết sức quan trọng.
Trong phỏng vấn với BBC Tiếng Việt, Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cũng trả lời câu hỏi về vaccine nội địa đang phát triển và thử nghiệm tại Việt Nam.
BBC: Ông có thể đánh giá khái quát về tình hình hiện nay cũng như việc ứng phó của chính quyền trung ương và địa phương, như tại Hà Nội và TP HCM?
Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tình hình dịch bùng phát rất phức tạp và khó khăn. Chúng tôi quan sát thấy số ca mắc và tử vong cao được ghi nhận hàng ngày trong những tuần qua, chủ yếu đến từ TP HCM và các tỉnh lân cận.
Có những ca không biết hoặc không rõ về mối liên hệ dịch tễ học được báo cáo từ nhiều tỉnh, trong đó có Hà Nội. Xu hướng này là đáng lo ngại vì nó cho thấy nguy cơ rất cao về lây truyền trong cộng đồng.
Biến thể Delta là chủng virus lây nhiễm nhiều nhất trong đợt bùng phát COVID-19 thứ 4 hiện nay ở Việt Nam, và có thể do khả năng lây truyền cao hơn của virus chủng này.
Các cơ sở y tế tại những tỉnh có ổ dịch báo cáo là bị quá tải trong việc đối phó với tình hình hiện tại. Sẽ là có lý để nói rằng hệ thống y tế hiện đang chịu một áp lực vô cùng lớn và nhân viên y tế hẳn là bị quá tải.
Để đương đầu với thách thức này, chúng tôi cũng ghi nhận rằng Chính phủ và nhân dân Việt Nam đang dốc hết sức trong cách tiếp cận toàn xã hội, bằng cách huy động mọi nguồn lực hiện có để hỗ trợ những người làm công tác tuyến đầu, đặc biệt là ở các tỉnh thuộc điểm nóng.
Chúng tôi đã thấy các nguồn nhân lực và chuyên gia kỹ thuật được cử đến để hỗ trợ đặc biệt cho các tỉnh cần gia cố thêm nguồn lực.
Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cao nhất trong việc khống chế nguy cơ lây lan và điều này bao gồm việc áp dụng tất cả các biện pháp xã hội về y tế công cộng hiện có dựa trên đánh giá rủi ro kịp thời theo cách nghiêm ngặt hơn, bao gồm giãn cách xã hội, truy vết, cách ly, xét nghiệm diện rộng, rà soát và ban hành nhiều hướng dẫn kỹ thuật cần thiết khác nhau và mở rộng tiêm chủng cho các nhóm ưu tiên. Những nỗ lực này vẫn rất quan trọng để kiểm soát dịch bùng phát.
Vẫn còn rất nhiều nhiệm vụ phía trước phải vượt qua và vài tuần tới sẽ hết sức quan trọng. WHO vẫn tin tưởng rằng phản ứng khẩn cấp về y tế cộng đồng mạnh mẽ của Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc khống chế các đợt bùng phát hiện nay.
Singapore có cho dùng vaccine Trung Quốc không, theo cách nào?
CDC Hoa Kỳ: Biến thể Delta cực nguy, nhưng vaccine vẫn giúp cứu người
Sài Gòn: Bác sĩ giữa lằn ranh sinh tử nơi bệnh viện dã chiến
Sau Mỹ, Anh giờ lo ngại tiêm vaccine mà dính Delta, vẫn có thể lây người khác
7 loại vaccine WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp
BBC: Chính phủ Việt Nam gần đây nói rõ rằng chỉ những vaccine nào được WHO phê duyệt mới được tiêm chủng trong nước. Chúng ta biết rằng Việt Nam đang phát triển và thử nghiệm lâm sàng vaccine nội địa. Ông có nghe được gì về bất kỳ kế hoạch nào cho vaccine như Nano Covax sẽ được gửi đến WHO để đánh giá/phê duyệt và nếu có thì sẽ mất khoảng bao lâu để nhận được kết quả phản hồi từ WHO?
Tính đến ngày 13 tháng 8 năm 2021, có 294 ứng viên vaccine COVID-19 trên toàn cầu đang được phát triển: 184 ứng viên ở giai đoạn đánh giá tiền lâm sàng và 110 ứng viên ở giai đoạn đánh giá lâm sàng. Cho đến nay, 22 sản phẩm vaccine đã được phê duyệt để sử dụng khẩn cấp bởi ít nhất một cơ quan quản lý quốc gia.
WHO có một quy trình dựa trên rủi ro để đánh giá dữ liệu về chất lượng, an toàn, hiệu quả và hiệu suất của vaccine COVID-19 và liệt kê các sản phẩm vaccine được ủy quyền, đó là quy trình Danh sách Sử dụng Khẩn cấp của WHO (EUL). Quy trình EUL này hỗ trợ các cơ quan mua sắm Liên hợp quốc có quan tâm và các Quốc gia Thành viên trong việc xác định khả năng chấp nhận việc sử dụng các sản phẩm cụ thể.
Quy trình EUL của WHO xem xét vaccine COVID-19 đã trải qua các nghiên cứu giai đoạn IIb hay giai đoạn III và đã nhận được sự cho phép từ cơ quan quản lý quốc gia tham chiếu (NRA).
Cho đến nay, có bảy loại vaccine COVID-19 thuộc diện WHO EUL (nằm trong Danh sách Sử dụng Khẩn cấp của WHO). Đây là những vaccine được phát triển bởi Pfizer/BioNTech, AstraZeneca/Oxford, Viện Huyết thanh Ấn Độ, Janssen, Moderna, Sinopharm/BBIP và Sinovac.
WHO khuyến khích các nhà sản xuất vaccine COVID-19 của Việt Nam gửi vaccine của họ để kiểm định theo WHO EUL sau khi các vaccine này có được sự cho phép sử dụng khẩn cấp của cơ quan quản lý quốc gia của Việt Nam.
Covid-19: Có cần thiết khử trùng toàn Sài Gòn, Hà Nội?
AstraZeneca: Lời khuyên mới nhất từ các chuyên gia ở Anh và Việt Nam
BBC: WHO đang làm việc với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan như thế nào để giúp Việt Nam ứng phó với những thách thức hiện nay?
WHO đã và đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy và tiếp tục cung cấp các bằng chứng khoa học mới nhất để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình ra quyết định ứng phó.
WHO cũng đã hỗ trợ lập kế hoạch chiến dịch tiêm chủng COVID-19, đào tạo, giám sát về quản lý và an toàn, ra báo cáo, thực thi ở các khu vực khó khăn, truyền thông, cũng như có các đánh giá chiến dịch tiêm chủng.
Với vai trò là đồng lãnh đạo Chương trình COVAX, WHO đã và đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để tạo điều kiện nhằm có nhiều vaccine hơn tại Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã nhận được 9.175.700 liều vaccine COVID-19 thông qua Chương trình COVAX và COVAX tiếp tục huy động thêm vaccine theo nhiệm vụ của mình, để góp phần chấm dứt đại dịch.
Hơn nữa, WHO đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường năng lực cho hệ thống quản lý vaccine của quốc gia theo đó hướng dẫn nghiên cứu và phát triển vaccine nội địa.
---------------------------------------------------------------------
Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam từng cảnh báo dịch bệnh Covid-19 sẽ xâm nhập lại ở Việt Nam mặc dù phòng chống hiệu quả.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho BBC Tiếng Việt tại Hà Nội vào ngày 28/02/2020, Tiến sĩ Kidong Park nói "Thông điệp của tôi với mọi người là đề cao cảnh giác, dịch bệnh chưa hết".