Sáng 18/7, Việt Nam ghi thêm 2.454 ca nhiễm Covid-19 mới, cả nước vượt 50.000 ca.
Số ca mới được ghi nhận tại 21 tỉnh/thành. Một ca dương tính sau 30 ngày cách ly. Riêng TP HCM có 1.756 ca nhiễm.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết hiện TP HCM đang điều trị cho 20.800 trường hợp dương tính; trong đó có 306 ca thở máy, 8 trường hợp phải can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).
Covid-19: VN thêm hơn 1.400 ca; WHO cảnh bảo biến thể mới 'nguy hiểm hơn'
Covid-19: VN thay đổi phác đồ điều trị; Thí điểm cách ly F0 tại nhà
Ông Phong cũng nhấn mạnh thành phố đông dân nhất cả nước hiện nay đang ưu tiên điều trị F0 nặng và ngăn chặn, giảm số ca tử vong. Trong thời gian cao điểm, từng xuất hiện tình huống các F0 trở nặng tại khu cách ly tạm thời của quận, huyện chậm được các BV tiếp nhận, gây ra tình trạng trở nặng, thậm chí rất nặng dẫn đến tử vong.
Báo Thanh Niên trích dẫn, trước tình hình đó, ông Phong yêu cầu Sở Y tế xây dựng bản đồ khu cách ly tạm thời tại các BV; BV dã chiến điều trị F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ; BV điều trị F0 nặng và BV hồi sức tích cực.
Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin để thiết lập hệ thống quản lý điều phối F0 trên toàn địa bàn do Trung tâm cấp cứu 115 vận hành, nhằm kịp thời điều phối F0 đến các BV gần nhất và nhanh nhất.
Ông Phong cũng thừa nhận hiện số ca F0 vẫn tăng nhanh, gây áp lực cho hệ thống y tế. Vì vậy, TP HCM đã thiết lập Trung tâm hồi sức Covid-19 để điều trị bệnh nhân nặng với quy mô 1.000 giường, trên cơ sở chuyển đổi công năng một phần BV Ung bướu cơ sở 2 (TP Thủ Đức). Ngoài ra, còn 2 cơ sở điều trị khác tại BV Bệnh nhiệt đới (300 giường) và BV Chợ Rẫy (300 giường). Sáng cùng ngày, Bộ Quốc phòng đã chấp thuận đề xuất thiết lập thêm BV điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tại BV Quân y 175 (Q.Gò Vấp).
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, TP HCM phải tiếp tục siết chặt quản lý, không để lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa, cách ly. Ông Đam nhấn mạnh, dù đã phong tỏa nhưng nơi nào để xảy ra lây nhiễm trong khu phong tỏa, khu cách ly thì phải xử lý toàn diện lãnh đạo nơi đó.
Người dân trong các khu phong tỏa ở TP HCM kêu cứu
TP HCM: Thiếu rau quả giữa đại dịch, dân chung sức giúp nhau
Dân Sài Gòn lo âu trước giờ ‘phong thành’
Việt Nam: Đưa mèo đi cấp cứu giữa dịch, công an phạt, ‘đúng hay vô cảm’?
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng ý áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16 đối với 16 tỉnh thành phía Nam trong vòng 14 ngày kể từ 0h ngày 19/7/2021, để chống dịch.
Theo đó, ngoài 3 tỉnh, thành đang áp dụng chỉ thị 16 là TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai, sẽ có thêm 16 tỉnh, thành giãn cách theo chỉ thị này để chống dịch gồm: Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau và Kiên Giang.
Trang Zing.news trích lời PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng: "Lúc này không bàn mục tiêu kép nữa, nơi nào đang có dịch thì chỉ cần tập trung cho dịch. Chỉ nơi nào thật an toàn mới sản xuất và ưu tiên mặt hàng thiết yếu để nuôi sống người dân."
Trong ngày 17/7, Việt Nam có thêm 27.360 người được tiêm chủng, tổng cộng đã tiêm trên 4.261.250 liều vaccine phòng Covid-19. Trong đó, số người đã được tiêm 1 mũi là trên 3.956.250 người. Số người đã được tiêm đủ 2 mũi là: gần 305.000 người.
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 48.964 ca mắc Covid-19 ghi nhận trong nước và 2.038 ca nhập cảnh.